Bên cạnh sự kiện chiếm sóng bậc nhất trên thị trường gần đây là dịch virus corona, nhà đầu tư khó có thể bỏ quên phiên điều trần của Chủ tịch Fed và hai chỉ số kinh tế quan trọng của Mỹ.
Dịch virus corona có thể sẽ tiếp tục đeo bám thị trường ngoại hối tuần này, vì Trung Quốc vừa báo cáo thêm 89 ca tử vong vào hôm 9/2, nâng tổng số trường hợp tử vong do virus corona lên cao hơn so với đại dịch SARS.
Trong tuần này, một nhân vật chiếm sóng khác chính là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ông Powell dự kiến sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ về triển vọng kinh tế và chính sách tiền tệ vào hai ngày 11 và 12/2.
Trong khi đó, về mặt dữ liệu, thị trường sẽ chú ý đến chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ để biết thêm thông tin về số liệu lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ quan tâm đến doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 1 để hiểu rõ hơn về sức mạnh của người tiêu dùng Mỹ.
1. Dịch virus corona chưa lắng dịu Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, đại dịch SARS đã khiến ít nhất 774 người tử vong và lây nhiễm cho khoảng 8.096 người trên toàn thế giới vào năm 2002 - 2003.
Như vậy, dữ liệu chính thức từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tính đến hết ngày 9/2 cho thấy số ca tử vong do virus corona đã vượt qua SARS.
Nhiều nền kinh tế trên thế giới được dự đoán là sẽ giảm tốc trong năm nay do tác động của dịch virus corona, trong đó nghiêm trọng nhất có thể là Trung Quốc.
Vào ngày 10/2, nền kinh tế Trung Quốc sẽ "thức giấc" sau kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, mặc dù nhiều cửa hàng và nhà máy vẫn sẽ đóng cửa và người lao động sẽ tiếp tục làm việc tại nhà.
Goldman Sachs đã cắt giảm dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quí I từ 5,6% trước đó xuống còn 4%. Thậm chí, ngân hàng Mỹ còn cho rằng mức sụt giảm sẽ còn lớn hơn.
2. Chủ tịch Fed điều trần trước Quốc hội Mỹ Chủ tịch Jerome Powell sẽ tham gia phiên điều trần được tổ chức nửa năm một lần về triển vọng kinh tế và chính sách tiền tệ của nước Mỹ trước các ủy ban của Thượng và Hạ viện ở thủ đô Washington DC.
Cụ thể, ông sẽ điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào lúc 22h (giờ Việt Nam) ngày 11/2. Sau đó, Chủ tịch Fed sẽ tiếp tục xuất hiện trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện cũng vào lúc 22h (giờ Việt Nam) ngày 12/2.
Văn bản trình bày nội dung của phiên điều trần sẽ được công bố trước khi ông Powell bắt đầu khoảng 90 phút.
Chủ tịch Fed được dự đoán sẽ một lần nữa phát đi tín hiệu rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện tại trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và tăng trưởng tiêu dùng ở khu vực tư nhân ổn định.
3. Chỉ số lạm phát của Mỹ Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 1 của nền kinh tế lớn nhất thế giới vào lúc 20h30 (giờ Việt Nam) ngày 13/2.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ được dự đoán sẽ tăng 0,2% trong tháng 1, phù hợp với mức tăng ghi nhận hồi tháng 12 năm nay. Trong khi đó, các nhà kinh tế nhận định chỉ số CPI năm sẽ tăng từ mức 2,3% (ước tính của tháng 1) lên 2,5%.
Theo Investing tổng hợp lạm phát tăng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy Fed nhanh chóng hướng tới mục tiêu thắt chặt chính sách tiền tệ thêm kì vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất.
4. Doanh số bán lẻ của Mỹ Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố dữ liệu về doanh số bán lẻ tháng 1 vào lúc 20h30 ngày 14/2.
Các chuyên gia đa phần đồng thuận rằng doanh số bán lẻ sẽ tăng 0,2% trong tháng 1 sau khi tăng với tốc độ tương tự vào tháng 12 năm ngoái. Nếu không bao gồm lĩnh vực ô tô, doanh số bán lẻ tháng 1 dự kiến tăng 0,3%.
Doanh số bán lẻ tăng theo thời gian tương quan với mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, trong khi doanh số kém cho thấy nền kinh tế có thể đang chững lại. Được biết, chi tiêu tiêu dùng chiếm tới 70% tăng trưởng kinh tế của Mỹ.