Giá dầu mở cửa tiếp nối đà giảm trong phiên giao dịch sáng nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục gặp áp lực khi dữ liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 yếu kém. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức âm sau 3 tháng tăng trưởng dương, giảm 7,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, trái ngược với dự báo tăng 8,0% của các nhà kinh tế. Dữ liệu này cho thấy nền Trung Quốc vẫn đang loay hoay với bài toán thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa, trong khi xuất khẩu giảm phản ánh nhu cầu tại nhiều nền kinh tế nhập khẩu hàng của Trung Quốc kém sắc. Triển vọng tiêu cực này nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây áp lực tới giá dầu. Mặc dù dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5 tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 10,79 triệu thùng/ngày và cao hơn 17,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, Trung Quốc thường nhập khẩu lượng lớn dầu thô giá rẻ từ Nga, và dòng chảy xuất khẩu của Nga vẫn chưa cho thấy dấu hiệu cắt giảm sản lượng. Xuất khẩu dầu Nga sang Trung Quốc bằng đường biển tăng nhẹ 20,000 thùng/ngày lên 1,15 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 4/6 so với tuần trước đó. Điều này khiến cho mức độ cạnh tranh đối với nguồn dầu tại Trung Đông sẽ giảm bớt khi các quốc gia OPEC cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, nếu báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tối nay cho thấy tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất của Mỹ tăng trong tuần kết thúc ngày 4/6 như dữ liệu từ Viện dầu khí Mỹ (API) công bố vào tối nay, giá dầu cũng sẽ đối diện với áp lực.