Với động thái mới nhất, Trung Quốc đã gia nhập danh sách những quốc gia cấm tiền số, ngược lại với El Salvador, nơi gần đây chấp nhận Bitcoin như một tiền tệ hợp pháp trong năm nay. Ở Mỹ, người dân được phép giao dịch bằng tiền số song giới chức quản lý đang xem xét kỹ lưỡng vấn đề này.
Tuy nhiên theo Bloomberg nhận định, nền kinh tế thứ 2 thế giới đang muốn quản lý phép thử nghiệm có khả năng trị giá hàng nghìn tỷ USD này.
Hiểu được những khía cạnh của cuộc chiến đa chiều nhằm kiểm soát thị trường màu mỡ này sẽ là chìa khóa cho hàng triệu nhà đầu tư hy vọng kiếm tiền từ cơn sốt tiền số.
Cuộc chiến được thiết lập để tác động xuyên suốt hệ thống tài chính toàn cầu, nơi mỗi ngày đều đầy ắp tin tức về các sản phẩm như quỹ hoán đổi Bitcoin, các đồng tiền số được đặt tên kỳ lạ và tài sản số NFT.
Giới siêu giàu cũng tham gia phát triển loại tài sản số này.
Nói rộng hơn, cuộc chiến giành kiểm soát tiền số cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi chủ đề văn hóa - xã hội khác, từ biến đổi khí hậu đến bất bình đẳng, và thương mại đến tiền giấy.
Cách thức hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc giám sát thị trường này thế nào sẽ có thể mang đến tác động sâu rộng nhất
Mỹ thắt chặt quy định tiền điện tử
Tại Mỹ, chiến thuật điều tiết của chính phủ lại khác biệt. Theo Phó Giáo sư Christin, cách tiếp cận của Washington nhằm mục đích tránh để xảy ra sự cố.
Ví dụ, các thị trường tài chính từ trước đến nay luôn giữ rào cản đối với một số loại giao dịch nhất định, nhưng lại không có biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nào để áp dụng cho các giao dịch tiền số.
Điều đó mở ra cánh cửa cho các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm để sử dụng các vị thế có đòn bẩy tài chính cao, có thể dẫn đến tổn thất tài chính nghiêm trọng.
Ông Christin lý giải hiện nay chắc chắn tồn tại luồng suy nghĩ rằng mọi người có thể tự do giao dịch vì đó là tiền của họ.
Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những người ở cấp độ bán lẻ tham gia vào các thị trường này có thực sự được trang bị để đánh giá rủi ro một cách hợp lý, thay vì tham gia vào các hành vi giống như cờ bạc hay không.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) Mỹ Gary Gensler - người đã gọi tiền số là “Miền Tây hoang dã” của hệ thống tài chính Mỹ - đang báo hiệu về một chế độ giám sát mạnh mẽ đối với ngành này.
Chương trình cho vay theo kế hoạch của Coinbase Global Inc - cho phép người dùng kiếm được 4% bằng cách cho vay tiền số của họ - là một điểm nổi bật dẫn đến gia tăng căng thẳng giữa cơ quan quản lý và ngành công nghiệp này.
Giám đốc điều hành công ty tiền số BlockFi Zac Prince mới đây cho biết SEC cùng các cơ quan quản lý khác cần phải cung cấp cho ngành tiền số của ông bộ quy định rõ ràng về những gì được phép thực hiện.